BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG NÊN HẠN CHẾ UỐNG RƯỢU.
Hậu quả của việc uống quá nhiều rượu ở người mắc tiểu đường thường nặng hơn so với người bình thường. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân tiểu đường uống nhiều rượu cao hơn so với bệnh nhân uống vừa phải. Với họ, rượu có thể gây một số tác hại nguy hiểm:
– Nếu đang tiêm insulin hoặc uống thuốc nhóm sulfamide mà uống rượu (nhưng lại không ăn, ăn ít hoặc bị nôn mửa), bệnh nhân sẽ rất dễ bị hạ đường máu (vì sau bữa ăn, nồng độ đường máu được duy trì ở mức bình thường nhờ lượng đường do gan sản xuất; nhưng quá trình này sẽ bị rượu ức chế). Hơn nữa, người uống rượu thường ăn ít hơn, và ăn không đủ chất nên càng dễ bị hạ đường máu.
– Rượu làm tình trạng hạ đường máu ở bệnh nhân tiểu đường nặng hơn và khó hồi phục hơn. Khi một người có đường máu hạ thấp, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng cường giải phóng đường glucose dự trữ tại gan. Thế nhưng rượu sẽ ức chế quá trình này. Điều nguy hiểm là hai tình trạng say rượu và hạ đường máu có nhiều biểu hiện giống nhau (mệt mỏi, đau đầu, run tay), nên bệnh nhân nếu say rượu có thể không phân biệt được để có cách xử trí kịp thời.
– Việc uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ bị các biến chứng do tiểu đường, nhất là biến chứng tim mạch (do làm tăng huyết áp, tăng mỡ máu, tăng cân).
– Rượu cũng có thể làm bệnh nhân sao lãng, quên hoặc bỏ uống thuốc.
– Bệnh nhân uống rượu nhiều có thể bị sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ…, khó đưa ra các quyết định chính xác, kịp thời khi có biến chứng.Vì vậy, nếu có uống rượu, bệnh nhân tiểu đường phải tuân theo các nguyên tắc sau:
TỐT NHẤT LÀ UỐNG LOẠI RƯỢU VANG NGUYÊN CHẤT.
Theo nhiều nghiên cứu, việc thường xuyên uống rượu vang với số lượng vừa phải có tác dụng ổn định mỡ máu và bảo vệ hệ tim mạch. Có thể uống các loại rượu mạnh như whisky, gin, rum… với số lượng ít, nhưng tránh các loại rượu khai vị (liqueur), vang ngọt.
– Khi tập thể dục thể thao, nếu ra nhiều mồ hôi, nên dùng các loại đồ uống không có cồn để bổ sung lượng dịch bị mất. Không uống rượu hoặc bia trong hoàn cảnh này.
– Thỉnh thoảng mới uống 1-2 ly rượu, hoặc 1 ly nhỏ rượu mạnh, 1 ly lớn rượu vang trắng nguyên chất. Theo khuyến cáo của Hội Tiểu đường Mỹ, chỉ nên uống tối đa 1-2 cốc nhỏ mỗi ngày; tốt nhất là 1 cốc vào bữa ăn tối; mỗi tuần chỉ nên uống tối đa 5 ngày. Có thể pha rượu mạnh với nước lọc, nước suối, soda cho dễ uống và để hạn chế lượng rượu được uống. Nếu có thể, nên thay rượu bằng bia hoặc các loại đồ uống không có cồn.
– Nên ăn thức ăn có tinh bột khi uống rượu để tránh hạ đường máu. Không bao giờ được uống rượu nếu không ăn. Sau khi uống khoảng 1 giờ, nên tự kiểm tra đường máu để biết mình có nguy cơ bị tăng hay hạ đường máu không, từ đó sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Trong ngày đó, bạn cũng phải thử đường máu nhiều lần hơn mọi ngày. Ngoài ra, bệnh nhân uống rượu phải theo dõi huyết áp, cân nặng đều đặn; nếu thấy tăng (đặc biệt là huyết áp) thì nên ngừng uống.
– Không nên uống rượu và thuốc hạ đường máu cùng lúc. Nếu có dùng một số loại thuốc đặc biệt theo yêu cầu của bác sĩ, phải ngừng uống rượu hoàn toàn. Nếu bạn đang tiêm insulin và trong ngày có uống rượu, phải thử đường máu trước khi đi ngủ; nếu kết quả dưới 7 mmol/l thì nên ăn thêm. Nếu không thử được, nên ăn thêm đồ ăn có tinh bột để tránh nguy cơ hạ đường máu vào lúc nửa đêm.
– Nếu thấy đường máu tăng cao hoặc không giảm được cân nặng mà không có lý do rõ ràng, phải nghĩ đến nguyên nhân là rượu và phải hạn chế hoặc bỏ rượu. – Nếu bệnh nhân bị nghiện, nên đi khám ngay ở các chuyên khoa tiểu đường, dinh dưỡng và tâm lý để được hướng dẫn và giúp đỡ bỏ rượu. – Bệnh nhân tiểu đường là trẻ em hoặc phụ nữ có thai, đang cho con bú, bệnh nhân có biến chứng tim mạch, thận (suy thận), thần kinh nặng… tuyệt đối không được uống rượu. Người có các biến chứng tim mạch, thận, thần kinh… cũng nên bỏ rượu ngay nếu thấy các biến chứng này nặng lên.
Xem thêm :